Chùa Tôn Thạnh cổ kính hơn 200 năm tuổi ở Long An
Chùa Tôn Thạnh là một ngôi chùa nổi tiếng tại Long An hơn 200 năm tuổi và được Bộ Văn hóa thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1997. Hôm nay hãy cùng mình khám phá tất tần tật về ngôi chùa này ngay sau bài viết này nhé!
Sơ lược về chùa Tôn Thạnh
- Địa chỉ: Tọa lạc tại ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, Long An.
- Thời gian hoạt động: Cả ngày.
- Giá vé: Miễn phí.
- Thời điểm tham quan thích hợp: Bất kỳ thời gian nào trong năm.
Chùa Tôn Thạnh nằm ở đâu?
Chùa tọa lạc tại ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, Long An. Ngôi chùa được xây dựng hơn 200 năm tuổi, đây là nơi ông Nguyễn Đình Chiểu (một nhà thơ lớn, một thi sĩ yêu nước của dân tộc) đã từng sinh sống và sáng tác ra những bài văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc rất nổi tiếng.
Lịch sử hình thành chùa Tôn Thạnh
Vào năm 1808, vị Thiền sư Viên Ngộ đã thành lập chùa Tôn Thạnh hay còn gọi là chùa Lan Nhã, đây là một địa danh đánh dấu tên tuổi của một nhà thơ, một nhà thi sĩ yêu nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Thiền sư Viên Ngộ thế danh là Nguyễn Ngọc Dót ở ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc huyện Cần Giuộc, Long An. Năm 1806, ông đã xuất gia ở chùa Vĩnh Quang và được ban pháp hiệu là Viên Ngộ thuộc thiền phái lâm Tế Chính đời thứ 39. Đến năm 1808, người đã cho xây dựng chùa Lan Nhã – chùa Tôn Thạnh.
Từ nhỏ, vì yêu quý đạo Pháp và ý thức được vào con đường giác ngộ, nên ông đã quyết tâm xuất gia. Tuy nhiên anh trai và cha ông không đồng ý và đưa ra thử thách vô cùng khó khăn là “Bây giờ mày muốn theo Phật vớt bỏ hồng trần, vậy mày có thể cầm hòn than đỏ cho ta hút thuốc thì ta mới tin mày thật lòng theo Phật”.
Nghe cha nói vậy, người liền đi ngay vào bếp và lấy than đỏ vào tay mang lên cho cha, vì giữ lời hứa nên cha đã cho người xuất gia. Từ đó, Thiền sư Viên Ngộ chuyên tâm tu hành, giữ gìn giới luật, ngày ngày trôi qua chỉ ăn giờ ngọ và được học đạo với hai vị hòa thượng là Đạo Tứ và Đạo Huệ. Ngoài việc tu hành, ngài còn giúp người dân chặt cây, sửa đường bị hư hỏng để thuận tiện cho việc di chuyển và buôn bán.
Lúc bấy giờ tại chùa Tôn Thạnh, Thiền sư Viên Ngộ mời thợ ở Quy Nhơn về đúc tượng Địa Tạng Bồ Tát bằng đồng. Trong khi đúc tượng còn khuyết một lỗ, ngài đã chặt ngón tay của mình và bỏ vào nồi đồng, khi nước đồng sôi, ngài chặt tay bỏ vào nồi đồng và miệng luôn niệm danh hiệu Địa Tạng Vương Bồ Tát.
Mọi người lúc này vừa sợ vừa ngưỡng mộ, có người chạy vào lấy đồ cầm máu cho Tổ, nhưng sắc mặt của người vẫn không thay đổi mà vẫn nán lại đến khi chấm dứt buổi lễ. Ba ngày sau người thợ báo tin tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát đã được đúc viên mãn.
Ngoài ra, người cũng là một người con hiếu thảo, luôn bên cạnh và chăm sóc lúc cha bệnh, phát nguyện ngồi thiền suốt 10 năm để kéo dài tuổi thọ cho cha. Đồng thời trong thời gian này, vùng đất Long An đang đối diện với dịch bệnh đậu mùa nên Thiền sư Viên Ngộ đã nguyện trì kinh niệm Phật, cầu mong cho người dân thoát khỏi kiếp nạn này.
Năm 1845, niên hiệu thiệu trị thứ 5 của đời Hiến Tổ hoàng đế triều Nguyễn, Thiền sư Viên Ngộ viên tịch, tháp của ngài được xây dựng bên cạnh trái của chánh điện.
Năm 1849, niên hiệu Tự Đức thứ 2 của đời Dực Tông Anh hoàng đế triều Nguyễn, chùa Lan Nhã được đổi tên thành chùa Tôn Thạnh nhằm mong muốn cầu cho Phật pháp luôn được trường tồn hưng thịnh. Đến năm 2009, chùa Tôn Thạnh chính thức được tôn xưng là Tổ đình Tôn Thạnh.
Nghệ thuật kiến trúc
Chùa Tôn Thạnh lúc đầu mang một nét đẹp cổ kính, đơn giản, mộc mạc được xây dựng bằng vật liệu chủ yếu là gỗ, các hoa văn được khắc vô cùng tỉ mỉ và tinh xảo. Đến nay, chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu sửa chữa nên kết cấu và kiến trúc cũng dần thay đổi theo thời gian.
Chùa có diện tích lên đến 34.410m2, kiến trúc của chùa nếu nhìn trên cao xuống thì có hình dạng giống như chữ “Đinh”, từ cổng vào bên trong bao gồm sân, chánh điện, hành lang Tây, Đông và nhà giảng được lợp mái ngói và tường xây gạch.
Khu vực vườn của chùa, phía bên trái là chánh điện có ba ngôi bảo tháp. Đầu tiên là hai ngôi tháp của hòa thượng Đạt Đồng và Tổ sư Tắc Thành hình vuông cao khoảng 3m. Kế tiếp là tháp 3 tầng của Tổ sư Viên Ngộ có hình lục giác được chạm khắc dòng chữ “Nam Mô A Di Đà Phật” và cao khoảng 4.5m.
Bên phải là khuôn viên của chùa Tôn Thạnh còn lưu giữ hai tấm bia, để tưởng nhớ về nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu được xây dựng năm 1973 và 1997.
Nơi đây còn lưu giữ nhiều nét cổ xưa qua hệ thống cột, kiểu tứ ở chính điện, các câu đối chữ Hán và các pho tượng cổ quý hiếm có giá trị gần 200 năm. Ngay giữa thờ tượng Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, tượng Phật Đản sinh tượng Di Lặc, tượng Di Đà Tam Tôn, tượng Hộ Pháp.
Bàn thờ ở hai bên là thờ Tiêu diện và thập bát La Hán. Các pho tượng La Hán đều có tư thế khác nhau như kiểu bắt chân chữ ngũ, ngồi kiết già hoặc đưa cả hai tay lên, tất cả đều có khuôn mặt hiền từ, mộc mạc.
Đặc biệt, tượng Địa Tạng Bồ tát cao khoảng 110m ngồi ở trên con thanh sư, tay phải kết ấn, tay trái đặt lên ngực, trong tay có hạt minh châu. Năm 1813, niên hiệu Gia Long thứ 12 đã được khởi công đúc tượng Địa Tạng Bồ tát được làm bằng đồng, đã ghi nhận sự cảm hứng linh dị ở trong lần đúc tượng này. Đây là một bộ tượng do Thiền sư Viên Ngộ lúc còn sống đã sử dụng ngón tay của mình để góp phần hoàn thành pho tượng.
Tổ Viên Ngộ có duyên với Địa Tạng Bồ Tát, đây là một vị Bồ Tát có rất nhiều hạnh nguyện vị tha nhất, nhưng tổ sư nhận thấy mình vẫn chưa đủ công sức nên đã chặt ngón tay của mình bỏ vào nồi nấu để pho tượng được đúc hoàn thành theo ý nguyện.
Phía sau hậu cổ có các bài vị của Tổ thuộc dòng thiền Liễu Quán bao gồm Tổ Hữu Bùi, Tổ Liễu Quán, Tổ Ngọc Sâm, Tổ Quảng Thanh và Tổ Viên Ngộ. Cuối cùng là sân thiên tỉnh có xây dựng hòn non để tạo nên một không khí trong lành cho khuôn viên chùa.
Ngôi chùa gắn bó với thi sĩ Nguyễn Đình Chiểu
So với những ngôi chùa cổ khác ở Việt Nam, Chùa Tôn Thạnh chưa phải là ngôi chùa lâu đời nhất, nhưng chùa vẫn còn lưu giữ hai tấm bia, tấm bia đã được xây dựng vào năm 1973 để tưởng nhớ công lao của cụ Đồ Chiếu Đối với dân tộc.
Khi thực dân Pháp xâm chiếm thành Gia Định, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu cần phải lánh nạn trở về quê. Kể từ lúc này, ông chọn chùa Tôn Thạnh làm nơi khám bệnh, bốc thuốc, dạy học, nhưng thực chất ông đang âm thầm khích lệ và lãnh đạo nhân dân cùng chiến đấu chống giặc ngoại xâm.
Nhân duyên này nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã sáng tác nên những tác phẩm nổi tiếng và được lưu giữ đến ngày nay như bài văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và bài thơ Lục Vân Tiên.
Trong bài văn tế có đoạn ca ngợi về chùa Tôn Thạnh rất hay và ý nghĩa, đồng thời bài văn tế mà Nguyễn Đình Chiểu viết nhằm tuyên dương và đề cao tinh thần yêu nước của các chiến sĩ Cần Giuộc đã không ngại bản thân hy sinh mình để bảo vệ tự do cho đất nước. Ngoài ra, tại Tổ đình Tôn Thạnh ông còn viết hai tác phẩm là Chạy Giặc và Dương Từ Hà.
Di tích lịch sử cấp quốc gia
Vào ngày 27 tháng 11 năm 1997, chùa Tôn Thạnh đã được bộ Văn Hóa Thông tin Việt Nam công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngày nay, chùa là một địa điểm tham quan du lịch tâm linh thu hút đông đảo du khách Long An nói riêng và cả nước nói chung tìm đến.
Trên đây là những thông tin về chùa Tôn Thạnh mà mình muốn gửi đến đọc giả. Hy vọng bài viết mà Bò Cạp Vàng chia sẻ sẽ mang đến nhiều thông tin kiến thức cho bạn, nếu có chuyến du lịch vùng đất Long An thì du khách nên dành ít thời gian để đến đây để tham quan cũng như tưởng niệm các anh hùng đã hy sinh vì dân tộc.